Tô Thùy Linh đã có một trải nghiệm “không bao giờ quên” khi phải bỏ ra 1.500 USD thuê trực thăng xuống núi khi bị đau đầu, khó thở và nôn mửa.
Tô Thùy Linh, ngoài 20 tuổi, làm kinh doanh tại TP HCM. Cô vừa về Việt Nam hôm 1/2 sau 14 ngày du lịch Nepal cùng bạn. Cựu tiếp viên hàng không dành 6 ngày trong hành trình để leo lên trạm căn cứ Annapurna (ABC) ở độ cao hơn 4.100 m. Trạm nằm trên núi Annapurna. Đây cũng là ngọn núi cao thứ 10 thế giới, hơn 8.000 m, thuộc dãy Himalaya, theo Base Camp Trekking. Đặt chân đến nơi này, du khách sẽ được ngắm toàn cảnh những ngôi làng của người bản địa, ruộng bậc thang, rừng rậm và thung lũng sông băng ở hai bên đường.
Những ngày còn lại, Linh tham quan thủ đô Kathmandu và Pokhara, nơi được ví như “thủ đô du lịch” của đất nước. Tổng chi phí cho chuyến đi gần 60 triệu đồng. “60 triệu này là vượt quá dự tính ban đầu. Lý do là tôi gặp sự cố phát sinh, nên tiêu nhiều hơn kế hoạch”, Linh cho hay.
Sự cố mà Linh nhắc đến ở đây là việc cô bị say độ cao khi lên đến ABC vào đúng ngày mùng 1 Tết (ngày 23/1). Trước khi đi Nepal, Linh đã tìm hiểu về triệu chứng say độ cao nên chủ ý rèn luyện sức khỏe như tập thể thao, leo dốc trong vòng một tháng. “Nhưng như thế vẫn chưa đủ sức để chinh phục mẹ thiên nhiên”, cô nói.
Theo quan sát của Linh, các nhóm khách khác chỉ lên ABC vài giờ ngắm cảnh, rồi xuống trại cơ sở Manchhapuchhre (MBC) ở độ cao 3.700 m ngủ qua đêm. Tuy nhiên, Linh chọn ở lại ABC vì thích. Nhưng đêm đó, nữ du khách Việt “hầu như không chợp mắt nổi” vì khó chịu. Giữa đêm các triệu chứng say độ cao bắt đầu rõ hơn như “đau ê ẩm khắp người, lúc nóng lúc lạnh, đầu đau như búa bổ, khó thở, chóng mặt, buồn nôn”. Sáng tỉnh dậy, Linh đã nôn khá nhiều. Cô bỏ bữa sáng, đi thẳng xuống núi để giảm độ cao nhanh nhất có thể, nhằm giảm các triệu chứng khó chịu.
Khi đến MBC, Linh vẫn chưa cắt sốt. Cô bị rách cơ, nên khi bước đi cảm giác chân như liệt. Linh nói với người bạn đồng hành từ Việt Nam rằng nếu đi tiếp, có thể chân sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng hơn. Cộng thêm sức khỏe bị ảnh hưởng vì say độ cao, cô quyết định thuê trực thăng xuống núi vì biết Nepal có dịch vụ này. Hướng dẫn viên địa phương đi cùng Linh liên hệ với phía công ty trực thăng. Khoảng một tiếng sau đó, họ có mặt để đưa hai khách Việt xuống núi. Thời gian bay hết 10 phút, chi phí 1.500 USD. “Cảm giác lần đầu đi trực thăng rất tuyệt. Tôi được ngắm dải Himalaya và các ngôi làng từ trên cao”, cô nói.
Ngoài bay trực thăng, kỷ niệm khó quên nhất của cô là được bay dù lượn. Linh sợ độ cao, nên ban đầu có cảm giá lo lắng. Sau khi trải nghiệm, cô thấy tốt hơn vì có thể vượt qua được cảm giác sợ hãi.
“Linh trưởng thành hơn sau chuyến đi. Hành trình chinh phục ABC không dễ dàng. Tôi phải động viên cô ấy rất nhiều do Linh chưa từng trekking trước đó. Mỗi ngày phải vượt qua quãng đường 12-20 km là một thử thách lớn, nhưng cô ấy đã vượt qua dù đôi lúc có khóc nhè chút xíu”, người bạn đi cùng chia sẻ với VnExpress.
Dil Gurung, 28 tuổi, CEO của Alpine Ramble, công ty du lịch địa phương nơi Linh đặt tour leo núi, nói: “So với khách du lịch từ các quốc gia khác trên thế giới, chúng tôi có ít khách đến từ Việt Nam. Linh là một người phụ nữ khiêm tốn, kiên nhẫn và quyết đoán. Cô ấy không muốn từ bỏ ước mơ, và quyết tâm biến nó thành hiện thực. Linh yêu thiên nhiên, thích khám phá văn hóa, lối sống của người dân địa phương. Cô ấy chưa bao giờ phàn nàn về đồ ăn, chỗ ở, phương tiện đi lại”.
Nepal chưa bao giờ nằm trong danh sách các điểm đến ưu tiên của Linh. Cô cũng chưa từng leo núi đường dài. Chuyến đi này là lần đầu tiên Linh bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, vượt qua được chứng sợ độ cao. “Tôi thấy tự hào”, Linh nói.
Ấn tượng đầu tiên của cô khi đến quốc gia này chính là sự hiếu khách của người dân. Theo quan sát của cô, mọi người đều rất thân thiện, hiền lành, tôn trọng khách du lịch. Họ cũng niềm nở khi cư xử với nhau. Điểm cộng của Linh dành cho Nepal chính là người dân rất yêu quý động vật. “Các bạn qua đây sẽ thấy chó mèo rất được yêu mến và bảo vệ”. An toàn, thoải mái là cảm giác Linh có khi đến đây du lịch. Cô không gặp tình trạng lừa đảo, chặt chém.
Giải thích lý do chọn đúng Tết để du lịch, Linh nói đây là mùa thấp điểm ở Nepal, các cung trekking vắng người nên đi thoải mái hơn. “Khách Việt có thể xin visa cửa khẩu khi tới Nepal, thủ tục đơn giản. Bạn chỉ cần lên trang web nhập cảnh của Nepal để nhập thông tin, chụp lại màn hình khi hoàn thành thủ tục online là được. Phí xin visa từ 30 USD, trả tại sân bay”, Linh nói.
Còn theo Dil, thời gian tốt nhất trong năm để đi bộ đường dài, leo núi ở Nepal là mùa xuân (tháng 3-5) và mùa thu (tháng 9-12). Khi đó, điều kiện thời tiết thuận lợi và ôn hòa, giúp du khách có tầm nhìn tốt khi leo núi.
“Tôi muốn gửi một số lời khuyên rất đơn giản đến những du khách đáng yêu Việt Nam. Nếu muốn đến thăm Nepal và leo Himalaya, hãy chuẩn bị đồ đạc ngay từ bây giờ vì sắp vào mùa đẹp. Đây sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời, xứng đáng là chuyến đi để đời”, Dil nói.